Thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành phía Nam nói chung hiện đang dần thích ứng và ổn định trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thường chiếm đến 50-70% nên sức chịu đựng có hạn, đến lúc không chịu đựng nổi có thể đành “xả hàng”, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ.
Thị trường bất động sản cuối năm – Khách hàng vay vốn lớn, dễ “ngộp thở”
Thị trường bất động sản TP.HCM đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng khi giao dịch nhà đất sụt giảm 50%, nhưng giá nhà đất vẫn neo cao.
Nhận định thị trường TP.HCM đã có dấu hiệu dần phục hồi nhưng theo HoREA, tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn cung 9 tháng có 11.600 căn nhà, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2021, nhưng số lượng nhà ở này cũng chỉ bằng khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhà ở bình dân 9 tháng qua tiếp tục không có (0%), thay vào đó là nhà ở cao cấp.
Theo đó, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng khi giao dịch nhà đất sụt giảm 50% nhưng giá nhà đất vẫn còn neo cao. Lý giải về điều này, HoREA cho rằng doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm, cụ thể là thời điểm trước Tết âm lịch.
Tuy nhiên, do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, thường chiếm đến 50-70%, nên sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi, có thể đành “xả hàng”, thậm chí chấp nhận “bán lỗ” để cắt lỗ.
Đánh giá tổng quan thị trường BĐS những tháng cuối năm 2022, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, nguồn cung sơ cấp có nhiều tín hiệu tăng trong 6 tháng tiếp theo, nhưng sẽ tập trung nhiều ở phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc trung cấp và bình dân tiếp tục thiếu hụt. Do đó, giá bán ở thị trường sơ cấp có nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao. Thị trường sẽ tập trung nhiều hơn cho phân khúc đất nền đã có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu.
Liên quan đến vấn đề siết tín dụng vào bất động sản, các chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu tích cực, vì điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thị trường bất động sản cuối năm – Cơ hội đi săn hàng cắt lỗ
Với đặc điểm là nền dân số trẻ đang trong thời kỳ bứt phá trong xây dựng kinh tế, đó cũng là một trong những lý do giúp thị trường BĐS những năm gần đây có sự sôi động vượt bậc. Tuy nhiên với thời kỳ thị trường nhiều biến động như hiện nay các NĐT có xu hướng lựa chọn những BĐS an toàn để có thể “bảo toàn” dòng tiền của họ thay vì tìm một dự án đầu tư siêu lợi nhuận.
Trong nghề môi giới, hàng “ngộp” là tiếng lóng dùng để chỉ các sản phẩm của thị trường thứ cấp mà vì lý do nào đó như tới kỳ đáo hạn khoản vay ngân hàng hay chủ sở hữu cần tiền gấp… mà phải bán nhanh, bán vội với mức giá chỉ bằng 70% – 80% giá trị hợp đồng, thậm chí có thể thấp hơn. Hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn, có khá nhiều người đã ký gửi sản phẩm dạng này với mức giá rất tốt.
Chị Tường Vy – người mua nhà phố trong một dự án tại quận 9 cho hay, năm 2020, chị đã đóng được 50% giá trị hợp đồng cho căn nhà 5 tỷ đồng. Chị từng nghĩ có thể bán chốt lời khoảng 300 triệu đồng sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, thị trường hiện quá trầm lắng không thoát hàng được. Trong khi đó, chị vẫn phải trả lãi và một phần vốn gốc cho ngân hàng hàng tháng. “Tôi buộc phải rao bán lỗ khoảng 3,5 tỷ đồng để thu được đồng nào hay đồng ấy”, chị Mai Hoa cho hay.
Ở chiều ngược lại, anh Văn Tiến, ngụ ở quận Bình Thạnh, một tay chuyên “săn” hàng giá rẻ, cho biết: “Quan điểm của tôi là mua vào khi thị trường bất động sản trầm lắng và bán ra khi thị trường sôi động. Đây cũng là thời điểm tốt để các người mua có tiềm lực tài chính bắt đầu đi tìm hàng ‘ngộp’ bị bán cắt lỗ, tuy nhiên phải rất dày kinh nghiệm mới dám săn loại hàng này”.
Theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán bất động sản ghi nhận sự sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ.
Nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng sụt giảm cục bộ là lãi suất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của chủ sở hữu sử dụng đòn bẩy tài chính. Do phải chịu áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản với mức giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí chịu lỗ để thu hồi vốn.
Thị trường đầu tư đang trải qua những biến động mạnh, từ chứng khoán, USD, vàng, bất động sản… khiến nhiều nhà đầu tư khó khăn trong việc tìm kiếm kênh trú ẩn phù hợp. Tuy nhiên, biến động hiện nay lại là cơ hội tốt để nhiều nhà đầu tư có thể tìm được “tích sản” cũng như khoản đầu tư sinh lợi như ý.